10 điều bố mẹ tuyệt đối không nên làm với con cái
Thứ năm, 22/02/2018 09:27

Một số cha mẹ có thói quen giúp đỡ con cái quá nhiều khiến trẻ mất khả năng tự lập. Đôi khi cha mẹ coi đó là bình thường nhưng vô tình làm trẻ có xu hướng phản kháng lại.

1. Trả lời hộ

Trẻ thường rất vui khi được người lớn hỏi “Tên của con là gì vậy?”, nhưng nhiều cha mẹ thường có thói quen trả lời hộ con mình, thậm chí cho đến tuổi vị thành niên. Cha mẹ đã vô tình lấy đi cơ hội để chính trẻ trả lời. Bạn có thể gợi ý cho trẻ về những gì người khác đang hỏi nhưng tuyệt đối đừng bao giờ trả lời thay.

Cha mẹ nên làm gì?

Rút kinh nghiệm, lần tiếp theo khi trẻ được hỏi thì bạn cố gắng nói chuyện và giải thích cho trẻ hiểu. Đặc biệt hãy cố ngăn bản thân nói hộ trẻ.

2. Trở thành bạn bè

Nhiều cha mẹ cố gắng trở thành bạn với con cái của mình, họ không muốn con mình có bất kỳ bí mật nào. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao cha mẹ lại muốn điều này nhưng hãy cố gắng nhìn sâu hơn một chút. Một người bạn là như thế nào? Đó có thể là giữa 2 người thoải mái nói chuyện với nhau một cách bình đẳng.

Tuy nhiên, cha mẹ lại có một vai trò khác là luôn quan tâm và yêu thương con cái. Vậy nên không cần phải cố gắng để trở thành bạn thân, hãy để trẻ tìm kiếm bạn bè bằng lứa tuổi của mình. Cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh hỗ trợ bất kỳ lúc nào con mình cần.

Cha mẹ nên làm gì?

Nói không với mối quan hệ quá chặt chẽ, hãy hỗ trợ, tôn trọng không gian riêng của con cái.

3. Phân biệt “muốn” và “cần”

Chúng ta luôn biết rõ rằng bông cải xanh sẽ tốt hơn là kẹo, chơi quần vợt sẽ tốt hơn là búp bê. Cha mẹ thường luôn muốn những gì tốt nhất cho con cái, đôi khi giống như họ đang “đàn áp” con của mình. Họ luôn muốn con mình phải thế này, thế kia và nhất định phải đạt được mục tiêu mà họ đưa ra. Nếu cứ tiếp tục làm những hành động như vậy trẻ sẽ bắt đầu nổi loạn và chống cự lại tất cả mọi người.

Cha mẹ nên làm gì?

Tìm kiếm nhu cầu và mong muốn của trẻ. Nếu bạn cần dạy cho trẻ những thói quen tốt, đừng làm điều đó một cách tàn bạo mà hãy nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu.

4. Giúp đỡ con quá nhiều

Trẻ 2, 3 tuổi đã có thể tự mặc quần áo, rửa chén, và cho quần áo bẩn vào trong máy giặt. Và thật sự thì trẻ luôn muốn bản thân mình tự làm mọi thứ.

Cha mẹ thường nghĩ rằng con của mình còn quá bé nó không thể nào tự làm được, họ sẽ làm thay. Nếu cứ tiếp tục không để trẻ tự mình làm thì sau này bạn sẽ thấy đứa trẻ đó sẽ không bao giờ muốn giúp đỡ cha mẹ mình, mọi việc đều ỷ lại vào người lớn.

Cha mẹ nên làm gì?

Hãy để đứa trẻ tự làm càng nhiều càng tốt.

5. Tự quyết định mọi thứ

Cha mẹ thường cố áp đặt sở thích âm nhạc, sách, quần áo vào cho con mình. Mặc dù là ý tốt nhưng nó lại làm giảm đi cá tính của trẻ. Và thậm chí trẻ sẽ phản đối lại cha mẹ mình và làm ngược lại hoàn toàn.

Cha mẹ nên làm gì?

Xem phim, nghe những bản nhạc yêu thích và hỏi xem con có thích không, có thể thảo luận về thần tượng của mình với con cái.

6. Kiểm tra tiền

Mỗi đứa trẻ đều có tiền tiêu vặt của mình. Cha mẹ không nên tra hỏi quá nhiều về số tiền trẻ đang có. Và thật tồi tệ nếu bạn kiểm tra ống heo hoặc ví của con mình. Điều này khiến trẻ cảm thấy mất niềm tin ngay lập tức vào cha mẹ mình.

Liệu số tiền con cái mình đang giữ có thật sự quá quan trọng với bạn không. Thay vào đó hãy dạy cho con cách tiết kiệm để trẻ có được thứ mà nó muốn.

Cha mẹ nên làm gì?

Dạy con quản lý và chi tiêu tài chính của mình một cách khoa học.

7. Áp đặt sở thích lên con cái

Mẹ muốn con gái chơi violin và sẵn sàng đưa đi khắp thành phố để học nhạc 3 lần/ tuần. Trong khi đó cha lại muốn con trai mình chơi bóng đá mỗi tối. Cha mẹ thường cố gắng áp đặt sở thích của bản thân lên con cái mình.

Cha mẹ nên làm gì?

Hãy kiên nhẫn và xem con cái của mình thích gì, có khuynh hướng nghệ thuật nào hay đang quan tâm cái gì nhất để định hướng cho con phát huy được khả năng của bản thân.

8. Khoe khoang quá nhiều về con cái

Có nhiều ông bố bà mẹ thường thích khoe với mọi người những gì con mình đạt được. Ví dụ như “Con tôi đã biết ăn, đã bắt đầu biết đi, đã biết nói...”. Tất nhiên, họ rất hạnh phúc khi con mình đạt được những điều đó, với họ đó là một sự thành công nhưng những đứa trẻ sẽ như thế nào?

Khi những đứa trẻ lớn lên trong lời khen ngợi của cha mẹ, mọi thứ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Các bà mẹ và ông bố bắt đầu nói về con cái họ đã đậu đại học và tìm được việc làm như thế nào, họ làm như vậy chỉ muốn tỏ ra rằng nhờ công sức của mình mà con mình mới đạt được những thành công đó. Và tất nhiên, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng ghét khi phải nghe những lời này.

Cha mẹ nên làm gì?

Hãy thật sự hạnh phúc khi con mình đạt được những thành công đó, nhưng đừng khoe khoang quá nhiều.

9. Chọn quà

Một đứa trẻ có quyền chọn những thứ mà nó muốn nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cho nó có được quyền đó. Và vào những giây phút đấy trẻ sẽ nhận được một bài học: khả năng lựa chọn, ra quyết định, đối mặt với hậu quả.

Cha mẹ nên làm gì?

Hãy để trẻ chọn món quà mà con muốn.

10. Can thiệp vào cuộc sống riêng tư

Vào lứa tuổi vị thành niên cha mẹ lại càng có cớ để hỏi han, tìm hiểu con của mình đang quen ai. Điều này là bình thường và hoàn toàn tự nhiên nhưng nó lại làm trẻ cảm thấy khó chịu.

Cha mẹ nên làm gì?

Thay vì tra hỏi, hãy để cho chúng có không gian riêng. Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi nếu bạn thấy rằng trẻ không muốn chia sẻ bí mật riêng của mình. Và dĩ nhiên, đừng bao giờ đọc lén tin nhắn hay nhật ký của trẻ.

 

danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: cha mẹ không nên làm , nuôi dạy con cái